HOTLINE: 0918102524

Phân biệt thương hiệu và nhãn hiệu

Thương hiệu và nhãn hiệu là hai thuật ngữ thường xuyên được nhắc đến trong đời sống, trong hoạt động kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, VLC nhận thấy có nhiều chủ thể có sự nhầm lẫn về hai khái niệm này. VLC xin đưa ra một số ý kiến giúp quý khách hàng nhận biết được sự khác biệt cơ bản của hai khái niệm này

 

 

1. Thương hiệu - nhãn hiệu và sự khác biệt

Thương hiệu và nhãn hiệu là hai thuật ngữ thường xuyên được nhắc đến trong đời sống, trong hoạt động kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, VLC nhận thấy nhiều chủ thể nhầm lẫn về hai khái niệm này, cho rằng đây là hai khái niệm hoàn toàn đồng nhất. Liệu có thật sự chính xác? VLC xin đưa ra một số ý kiến giúp quý khách hàng nhận biết được sự khác biệt cơ bản của hai khái niệm này.

Thương hiệu là gì?

Thương hiệu (tiếng Anh: Brand) là những gì tạo nên sự liên tưởng về mặt cảm xúc với khách hàng. Thương hiệu chính là dấu ấn của sự tin cậy. Bởi nói đến thương hiệu, khách hàng liên tưởng ngay đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đến cách ứng xử của doanh nghiệp, đến những hiệu quả, lợi ích mang lại cho khách hàng. Thương hiệu là sợi dây ràng buộc giữa khách hàng và doanh nghiệp. Stephen King từng nói thương hiệu là thứ mà khách hàng mua, là thứ độc nhất vô nhị, trường tồn.

Để xây dựng một thương hiệu mạnh doanh nghiệp cần kết hợp giữa nhiều yếu tố như: chất lượng hàng hóa vượt trội, cách thức tương tác, tiếp xúc với khách hàng chuyên nghiệp, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, các hoạt động quảng cáo, truyền thông mạnh mẽ…

Hiện nay, các doanh nghiệp đều đang đầu tư xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu bao gồm nhãn hiệu, màu sắc, bao bì sản phẩm, menu, catalog, thiết kế cửa hàng, đồng phục nhân viên… Việc xây dựng một thương hiệu mạnh góp phần làm tôn vinh những giá trị vô hình và hữu hình của sản phẩm và nhà sản xuất, giúp doanh nghiệp nổi bật khi đứng cạnh với những sản phẩm khác.

Tuy thuật ngữ thương hiệu được sử dụng rộng rãi trong hoạt động kinh doanh, thương mại nhưng đây không phải là một thuật ngữ pháp lý. Thay vào đó, pháp luật công nhận và bảo hộ thuật ngữ “nhãn hiệu”.

Nhãn hiệu là gì?

Nhãn hiệu (tiếng Anh: Trademark) là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu dùng trong nhãn hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được, theo quy định của pháp luật Việt Nam, những dấu hiệu không nhìn thấy được như âm thanh, mùi vị không được bảo hộ.

Một dấu hiệu có khả năng đăng ký nhãn hiệu phải đáp ứng được các tiêu chuẩn do các Cơ quan nhãn hiệu quốc gia đặt ra và các tiêu chuẩn quốc tế. Có hai tiêu chí chính để xem xét:

+ Nhãn hiệu phải độc đáo và/hoặc có khả năng phân biệt các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp này với các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp khác.

+ Nhãn hiệu không mô tả sản phẩm/dịch vụ có thể gây hiểu lầm hoặc vi phạm các trật tự xã hội và các đạo đức xã hội.

Sự khác nhau giữa thương hiệu với nhãn hiệu

Nếu chỉ nhìn nhận dựa vào góc độ tên gọi, thì nhãn hiệu và thương hiệu rất khó phân biệt. Tuy nhiên, khi xem xét tổng thể các yếu tố cấu thành, chúng ta dễ dàng nhận ra, nhãn hiệu có thể được cấu thành là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Nhãn hiệu được coi là một loại tài sản vô hình của người hoặc công ty thực hiện hoặc sản xuất. Còn nói tới thương hiệu người ta thường nói đến cả khẩu hiệu, nhạc hiệu mà điều này gần như không được đề cập trong nhãn hiệu hàng hóa. 

Ở góc độ pháp lý, sử dụng thuật ngữ nhãn hiệu hàng hóa là đúng như trong các quy định của luật pháp Việt Nam, nhưng ở góc độ quản trị doanh nghiệp và marketing thì người ta thường dùng thuật ngữ thương hiệu. Pháp luật Việt nam cho phép đăng ký và bảo hộ độc quyền đối với nhãn hiệu, còn thương hiệu lại không phải từ ngữ luật hóa, không được đăng ký bảo hộ. 

Đăng ký bảo hộ

Nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ trong khi thương hiệu lại không cần thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ mà do Công ty tự xây dựng.

Quá trình sử dụng

+ Nhãn hiệu: Hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn, và có thể gia hạn nhiều lần. Một cá nhân, tổ chức có thể sử dụng nhiều nhãn hiệu khác nhau trong quá trình kinh doanh. Ví dụ: Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát có các nhãn hiệu khác nhau như: Trà xanh 0, Number 1, Doctor Thanh…

+ Thương hiệu: Được xây dựng trong suốt quá trình kinh doanh, là sự liên tưởng về mặt cảm xúc với khách hàng. Thương hiệu là kết quả phấn đấu lâu dài của doanh nghiệp và người tiêu dùng chính là người công nhận nó.

2. Sức mạnh của nhãn hiệu - thương hiệu

Nhãn hiệu là tài sản vô hình mang lại giá trị to lớn cho doanh nghiệp, cá nhân. Việc xây dựng một nhãn hiệu, thương hiệu mạnh là sợi dây kết nối tình cảm tốt đẹp của người tiêu dùng về sản phẩm hay dịch vụ được cung cấp. Điều này làm cho người tiêu dùng, khách hàng phải nhớ tới mình mỗi khi họ có nhu cầu. Có thể nói nhãn hiệu là loại tài sản vô hình cốt lõi giúp cho cá nhân, doanh nghiệp chuyển đổi các giá trị vô hình thành hữu hình. Do đó, xây dựng và sở hữu một thương hiệu mạnh là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường.

Sở hữu một thương hiệu mạnh là nền tảng để doanh nghiệp thuyết phục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Nhãn hiệu là dấu ấn chứng nhận đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Không những vậy, thương hiệu còn thể hiện cá tính, địa vị, phong cách sống của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng đáp ứng được các nhu cầu về tinh thần. Do đó khách hàng sẵn sàng trả những khoản tiền mà họ cho là xứng đáng.

Không dừng lại ở đó, sở hữu một thương hiệu mạnh là niềm tự hào của doanh nghiệp, niềm tự hào của nhân viên công ty. Doanh nghiệp có thể dễ dàng nhận được sự ưu ái của người tiêu dùng, của truyền thông khi thực hiện hoạt động quảng bá hình ảnh công ty.
Và một điều không thể không nhắc tới, thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp, sở hữu một thương hiệu mạnh là cách thức gia tăng giá trị tài sản của công ty. Như vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể xây dựng một thương hiệu mạnh?

Thương hiệu là linh hồn của doanh nghiệp, một doanh nghiệp có vững mạnh thì linh hồn mới tràn đầy nhựa sống. Tuy nhiên, cách thức mà doanh nghiệp thể hiện cũng ra một hình thức để xây dựng một thương hiệu mạnh. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp.

Như vậy, thương hiệu - nhãn hiệu là hai vấn đề tuy khác biệt nhau nhưng luôn song hành bổ trợ cho nhau, đồng thời đem đến những lợi ích không thể phủ nhận được cho doanh nghiệp. Rõ ràng, để đạt được một thương hiệu cấp quốc tế vẫn còn là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Nếu quý khách cảm thấy khó khăn trong lĩnh vực thương hiệu, nhãn hiệu các chuyên gia của V.L.C sẵn sàng hỗ trợ bằng dịch vụ chuyên nghiệp.



Tin tức liên quan